Tập luyện để tăng cường miễn dịch
Tập luyện thể dục thể thao giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, tấn công nhanh hơn các loại vi rút xâm nhập. Miễn dịch là hệ thống bảo vệ và phát hiện của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh do ngoại lai như virus, vi khuẩn… Có thể phân ra hai hệ thống là miễn dịch tự nhiên (miễn dịch không đặc hiệu) và miễn dịch thu được (miễn dịch đặc hiệu). Các globulin miễn dịch (trong miễn dịch đặc hiệu) đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự nhân lên của một số virus.
Các globulin miễn dịch như IgA, IgG, IgD tăng lên ở người tập luyện mức độ trung bình và tập nặng. Các nghiên cứu về mối liên quan giữa tập luyện và IgA cho thấy tập đều đặn, cường độ vừa phải như đi bộ 45 phút/ngày, trong 5 – 7 ngày/tuần, thì nồng độ IgA và các globulin miễn dịch khác cũng tăng đáng kể. Kể cả với người lớn tuổi, cường độ tập có thể ít hơn cũng tăng các globulin miễn dịch. Tăng IgA từ việc luyện tập sức bền là rất quan trọng để ngăn chặn virus trong mùa dịch. Đây là chốt chặn đầu tiên hạn chế virus thâm nhập đường hô hấp. Hơn nữa, nhiệt độ cơ thể tăng hơn khi tập luyện mức độ trung bình cũng làm ức chế virus phát triển.
Các bài tập đơn giản tại nhà
Hãy tích cực vận động thân thể hằng ngày ở nhà nhiều nhất có thể. Thời gian vận động được khuyến nghị là đối với người lớn 30 phút/ngày, đối với trẻ nhỏ 1 giờ/ngày.
Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã hướng dẫn một số cách vận động để mọi người có thể tập luyện ở nhà trong mùa dịch như: leo cầu thang, tập các bài co duỗi chân tay, nhảy dây, tập các bài luyện cơ bắp và thăng bằng.
Mặt khác, khi làm việc tại nhà, cần chú ý, thường xuyên kiểm tra tư thế ngồi làm việc; nên thay đổi tư thế, ngồi xuống và đứng lên khi làm việc; đi lại, trao đổi qua điện thoại hoặc xem ti vi, nghe nhạc…
Mọi người cũng có thể tham gia các lớp tập thể dục trực tuyến, tìm và tập theo các bài tập có hướng dẫn trên mạng, nhún nhảy theo nhạc, hoặc thực hành các trò chơi vận động qua video…